Nợ thuế có được phép xuất cảnh không?
Doanh nghiệp nợ 1 tỉ đồng trở lên, cá nhân nợ trên 50 triệu đồng, trong đó có khoản nợ trên 90 ngày thì cá nhân, người đại diện theo pháp luật của DN sẽ không được xuất cảnh cho đến khi nào hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Đó là một trong những nội dung dự thảo “Quyết định về việc chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh đối với các trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế” vừa được Bộ Tài chính công bố.
Theo dự thảo, những đối tượng nằm trong diện chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh gồm: Chủ tịch hội đồng thành viên, giám đốc… Tiền nợ này bao gồm các khoản thuế, phí, lệ phí, khoản thu về đất đai (ví dụ tiền sử dụng đất), tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế.
Riêng về thuế đối với DN có nhiều loại như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt. Thuế đối với cá nhân cụ thể như thuế thu nhập cá nhân, thuế từ việc kinh doanh cho thuê nhà, cho thuế tài sản…
Dự thảo cũng chỉ rõ các trường hợp chưa được xuất cảnh hoặc tạm hoãn xuất cảnh bao gồm cả công dân Việt Nam và người nước ngoài. Trong đó, thời hạn tạm hoãn xuất cảnh đối với người nước ngoài là không quá ba năm, kể từ ngày ban hành văn bản tạm hoãn xuất cảnh và được gia hạn cho đến khi hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Tuy vậy, dự thảo cũng nêu rõ sẽ không áp dụng quy định chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp các tổ chức sản xuất kinh doanh, cá nhân “có đặt tiền, đặt tài sản hoặc có biện pháp bảo đảm khác tại các tổ chức tín dụng và được tổ chức tín dụng bảo lãnh để thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước”.
Trên thực tế, quy định về cấm xuất cảnh vì nợ thuế hiện vẫn có trong một số văn bản, ví dụ Luật Quản lý thuế. Tuy nhiên, hiện chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể và đồng bộ, thống nhất. Do đó, Bộ Tài chính cho rằng cần thiết phải quy định cụ thể các trường hợp bị cấm xuất cảnh.
Bộ Tài chính cũng cho rằng Hàn Quốc quy định cấm xuất cảnh nếu cá nhân, đại diện DN có nợ thuế vượt mức quy định mà không có lý do hợp lý. Tương tự, Indonesia, Hong Kong, Úc đều có quy định cấm xuất cảnh nếu chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế.
Nợ 1 đồng cũng bị “vịn”
Chiều 16-7, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Xuân Dương, Cục phó Cục Thuế TP.HCM, cho biết trước đây tại TP có việc cấm xuất cảnh đối với người đại diện của DN nợ thuế nếu DN có dấu hiệu bỏ trốn khỏi trụ sở.
“Tuy nhiên, từ năm 2014 thì cơ quan thuế thực hiện theo Thông tư 215/2013 về cưỡng chế thuế, từ đó không áp dụng cấm xuất cảnh người đại diện DN nữa. Đến nay Bộ Tài chính mới có dự thảo trên để có căn cứ rõ ràng áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh trở lại” – ông Dương giải thích.
Ông Dương cũng cho biết cơ quan thuế hiện chỉ gửi danh sách áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh khỏi Việt Nam đối với người nước ngoài nợ thuế thu nhập cá nhân mà thôi. Còn nợ trên 90 ngày thì áp dụng mà không phân biệt số nợ là bao nhiêu!
Bỗng nhiên bị… dừng bay
Tính đến cuối năm 2014, cả nước có hơn 1,7 triệu người và DN nợ thuế. Trong số 600.000 DN nợ thuế có gần 60% nợ trên 50 triệu đồng. Trong 1,1 triệu hộ gia đình, cá nhân nợ thuế có 9% nợ trên 10 triệu đồng.
Vì số nợ trên, Bộ Tài chính cho rằng áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh để tăng khả năng thu nợ thuế. Tuy vậy, trong dự thảo Bộ Tài chính không thống kê số DN nợ trên 1 tỉ đồng và số cá nhân nợ trên 50 triệu đồng có khả năng bị “cùm chân”.
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, nhận xét nhiều DN bị nợ thuế là do kinh tế khó khăn. Chính vì vậy họ cũng cần đi nước ngoài gặp gỡ đối tác, đi tìm thị trường, tìm hợp đồng xuất khẩu.
“Nếu không cho họ đi thì càng khó cho DN và cơ quan thuế càng khó có cơ hội thu được thuế” – ông Xoa nêu quan điểm.
Mặt khác, ông Xoa phân tích thực tế từng có người đại diện DN nợ thuế nhưng có nhu cầu đi du lịch, đi nước ngoài tìm bạn hàng, đi thăm con… đã hóa giải bằng cách: Đến Sở Kế hoạch và Đầu tư làm thủ tục đăng ký thay đổi người đại diện pháp luật. Bởi người nào đứng tên làm đại diện thì mới bị cấm xuất cảnh.
Một trong những vấn đề gây bức xúc cho DN là họ không biết họ bị cấm xuất cảnh, đến khi ra sân bay rồi, làm thủ tục bay thì mới bị dừng bay.
“Trong quy trình hiện nay, cơ quan thuế gửi danh sách cho cơ quan xuất nhập cảnh và cơ quan này phê duyệt áp dụng. Trong dự thảo cũng quy định việc trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế với cơ quan xuất nhập cảnh, tiến tới trao đổi thông tin qua hệ thống điện tử. Thế nhưng quan trọng nhất là người bị cấm xuất cảnh thì lại chưa thấy dự thảo đề cập quyền được thông tin về việc mình bị áp dụng biện pháp này!” – luật sư Xoa nói.
Một người Nhật bị chặn ở sân bay
Đã từng có trường hợp một người Nhật sang Việt Nam làm việc, nộp thuế đầy đủ, sau đó ông này quay về Nhật vài năm.
Một lần ông bay sang Việt Nam dự đám cưới, đến khi ra sân bay quay về Nhật thì không đi được vì bị thông báo có nợ thuế thu nhập cá nhân. Cuối cùng đối chiếu ra thì khoản nợ đó là do lỗi hệ thống chứ không có nợ thật!
Nợ nhiều do kinh tế khó khăn
Theo thống kê của Bộ Tài chính, số nợ thuế ngày càng tăng cao, do vậy cần tăng cường thực hiện các biện pháp để thu hồi nợ thuế. Tỉ trọng nợ thuế năm 2011 là 8,16%, năm 2012 tăng lên 11,13% và năm 2014 khoảng 12,35%. Nguyên nhân do khó khăn chung của nền kinh tế và sự chây ì cố tình chiếm dụng tiền thuế.
Liên hệ trực tiếp để được hỗ trợ tốt nhất:
Hotline: Mr Quang: 0943.604.649 – Mr Phong: 0979.974.832
HochieuvisaHanoi.Com cam kết 100% đúng hẹn, uy tín.